Tác động tại Việt Nam Rừng Na Uy (tiểu thuyết)

Rừng Na Uy được dịch lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1997. Bản dịch tuy không thực sự xuất sắc, và để được in ra, đã buộc phải cắt xén nhiều câu, nhiều đoạn bị cho là "nhạy cảm", "dung tục". Tuy nhiên, khi đó Rừng Na Uy đã ít nhiều gây được sự chú ý của giới Nhật Bản học tại Việt Nam nói riêng và dư luận nói chung. Một số nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam, khi lần đầu tiếp xúc với tác phẩm, đã bị sốc vì hình ảnh một đất nước, con người Nhật Bản hiển hiện quá xa lạ với truyền thống. Dần dần, giới nghiên cứu cũng đi đến sự thống nhất, rằng đó vẫn là một sản phẩm thuần Nhật, hiển nhiên có thể được sản sinh ra nhờ tính tương phản gay gắt như một hằng số của nền văn hóa xứ sở hoa anh đào.[cần dẫn nguồn]

Theo thời gian và độ mở của văn hóa Việt Nam sau 10 năm, bản dịch Rừng Na Uy ra mắt năm 2006 được đánh giá là hoàn chỉnh hơn cả. Dù vẫn có sự tranh cãi tác phẩm sex thuần túy hay là nghệ thuật đích thực, không thể phủ nhận được rằng, tác phẩm đã được giới trẻ đương đại Việt Nam đón nhận nồng nhiệt vì nó phản ánh được tâm tư, cuộc sống và những mối quan tâm của họ hiện nay. Mặc dù tiếng nói của các nhà nghiên cứu về tác phẩm còn rất ít ỏi, hàng trăm thảo luận trên các diễn đàn của giới trẻ Việt Nam đã được mở ra để bàn luận về tác phẩm này, cho thấy nó đã khẳng định vị thế của mình trong lòng bạn đọc trẻ. Điều đó cũng cho thấy đề tài, chủ đề, cốt truyện của Rừng Na Uy tỏ ra phù hợp và dễ đọc với những độc giả lứa tuổi 20 hơn là những nhà nghiên cứu đã cao tuổi đời cũng như tuổi nghề.[cần dẫn nguồn]